Kỹ năng sống: Phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ
Trẻ nhỏ luôn phải đối mặt với nhiều nguy cơ, hiểm hoạ bao vây xung quanh, kể cả những đồ vật tưởng chừng như không nguy hại gì nhưng với sự non nớt và chưa có khả năng nhận thức cũng như khả năng tự vệ sẽ khiến con bạn gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào. Lời cảnh báo dành cho các bậc cha mẹ luôn phải ý thức theo dõi sát sao, tạo không gian an toàn và chú ý phòng tránh tai nạn cho trẻ.
Các biện pháp phòng tránh tai nạn và thương tích cho trẻ phụ huynh cần quan tâm
1.Tạo không gian sống an toàn
Để trẻ được an toàn, người lớn cần chủ động dành một không gian cho trẻ vui chơi, sinh hoạt. Nên chọn nơi có nền bằng phẳng, xung quanh thoáng đãng, không có tủ hay giàn chứa đồ đạc ở phía trên để làm khu vui chơi cho trẻ, ngăn cách với những khu vực khác trong nhà. Nếu nhà đủ rộng, nên chọn không gian của trẻ cách xa nhà bếp và nhà vệ sinh. Tuyệt đối không kết hợp vừa nấu ăn vừa bồng trẻ. Không nên cho trẻ quẩn quanh trong bếp khi người lớn đang nấu ăn vì những sự cố nhỏ trong nhà bếp có thể làm nguy hại gây thương tích đến trẻ.
Phòng tắm phải luôn đóng cửa để ngăn trẻ tự ý bước vào, đề phòng trượt ngã hoặc ngạt nước.
Nên chọn giường ngủ thấp. Hạn chế bố trí cầu thang, tam cấp trong khu vực vui chơi, sinh hoạt của trẻ, giữ cho không gian luôn khô ráo, không vương vãi nước, tránh té ngã.
Sau khi sử dụng đồ dùng điện, cần rút điện hoặc ngắt cầu dao để tránh tai nạn cho trẻ.
2.“Điểm danh” những vật dụng trong nhà
Với những thứ không phải đồ chơi, lời dặn “để xa tầm tay trẻ em” không bao giờ thừa. Những vật nặng, sắc nhọn, hoặc thuốc thang, hóa chất, đồ điện không nên để trong tầm tay của trẻ.
Khi trẻ bắt đầu biết nghe và hiểu, bố mẹ cần kiên nhẫn “điểm danh” từng vật dụng quen thuộc giúp trẻ biết tên gọi, tính năng, cách dùng và mối nguy hiểm (nếu có) của chúng. Cần dạy trẻ cách sử dụng an toàn lẫn phòng tránh tai nạn với vật dụng trong nhà. Ví dụ, “con nên cầm kéo thế này để cắt giấy (kèm chỉ dẫn), kéo dễ đâm vô mắt nên con phải cẩn thận, không được cầm nó khi không có bố mẹ”.
Để con nhận thức rõ sự nguy hiểm và có ý thức về hiểm họa từ những vật dụng như đồ điện, phích nước, phụ huynh cần giải thích rõ ràng và tuyệt đối không cho trẻ tới gần, ngay cả khi những vật dụng ấy không hoạt động.
3.Trang bị kỹ năng thoát hiểm càng sớm càng tốt
Tai nạn có thể xảy ra trong tích tắc, nhưng để có kỹ năng ứng phó, trẻ cần phải trải qua một quá trình học hỏi. Vì thế, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”, mà hãy sẵn sàng cho trẻ những kỹ năng phòng tránh tai nạn với nguy hiểm, càng sớm càng tốt.
Biết bơi là điều kiện tiên quyết để tồn tại khi gặp tai nạn với nước. Vì thế, bơi lội trở thành kỹ năng bắt buộc mà bố mẹ cần sớm trang bị cho con. Không giống với quan niệm xưa nay, việc tiếp xúc với hồ bơi từ sớm không ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ; thậm chí, ở các nước phát triển, trẻ học bơi ngay từ lúc một tuần tuổi. Vì thế, nếu con bạn chưa biết bơi thì dù con bao nhiêu tuổi, bạn cũng không nên bỏ qua các lớp dạy bơi trong mùa hè này.
Bên cạnh ngạt nước, hỏa hoạn cũng là một mối đe dọa có nguy cơ lớn với trẻ, dù ở trong nhà hay bên ngoài. Phụ huynh cần dạy trẻ nhận diện hỏa hoạn bằng cách chỉ cho trẻ những nguy cơ có thể gây cháy, hệ thống báo cháy, cách dùng bình chữa cháy hoặc nước để chữa cháy. Trong hầu hết các vụ hỏa hoạn, nạn nhân thường tử vong do ngạt hơi nhiều hơn là do bị bỏng. Vì thế, để thoát khỏi đám cháy, phụ huynh cần dạy trẻ dùng khăn ẩm để che mũi, ngăn khí độc; cúi sát người để tránh khói, đi men theo tường để đảm bảo sẽ ra đến cửa thoát hiểm.
Để chuẩn bị cho tình huống trẻ bị lạc giữa nơi đông người, người lớn cần chủ động “mã hóa” những dấu hiệu nhận biết giữa bố mẹ và con. Ví dụ, khi đến trung tâm thương mại, người lớn cần xác định một vị trí thật nổi bật để “giao kèo” với trẻ, nếu lạc nhau thì người này phải tìm tới vị trí ấy để đợi người kia. Khi có những “cột mốc” như thế, trẻ sẽ tự tin và vững chãi hơn nếu lỡ bị lạc.
Cầu cứu cũng là một bước quan trọng trong quá trình thoát hiểm. Vì thế, phụ huynh cần dạy trẻ bình tĩnh để kêu gọi sự giúp đỡ, hoặc cầu cứu trực tiếp những người xung quanh, với các tổ chức cơ động thông qua đường dây nóng. Để có thể thực hiện điều đó, trẻ cần thuộc số điện thoại của ba hoặc mẹ và số điện thoại những đường dây nóng của cảnh sát cơ động, cảnh sát chữa cháy và xe cứu thương.
4.Không loại trừ việc đề phòng con người
Trẻ em là đối tượng phổ biến của hành vi lừa lọc, trộm cướp của kẻ gian. Bố mẹ cần nêu ra những tình huống điển hình, kể ra một vài trường hợp kẻ gian hay dùng để đánh vào lòng tham và lòng thương của nạn nhân nhằm giúp trẻ dễ nhận diện.
hụ huynh nên tận dụng các tình huống thực tế trong cuộc sống để hướng dẫn cho con. Khi đi chơi ở nơi công cộng, bố mẹ có thể tạo ra tình huống giả, vào vai một kẻ gian, để trẻ ứng xử như đang gặp kẻ gian. Khi cùng nhau xem ti vi, phụ huynh cũng nên khéo léo lồng ghép các bài học thông qua những tình huống trên phim ảnh, giúp trẻ hình dung rõ nét những nguy hiểm mà mình có thể gặp phải trong cuộc sống kèm theo những cách ứng phó.
Quan trọng nhất, bố mẹ cần trang bị cho trẻ ý thức cảnh giác với người ngoài thông qua việc căn dặn trẻ không mở cửa cho người lạ, không nghe lời và đi theo người lạ.
Việc phòng tránh thương tích và tai nạn cho trẻ nhỏ là không bao giờ thừa. Đặc biệt các bậc cha mẹ có con bắt đầu tập đi hoặc hiếu động nên cẩn trọng hơn, cha mẹ có con nhỏ có thể tham gia các khoá huấn luyện đặc biệt để tăng cường kỹ năng xử lý tình huống, sơ cứu trẻ bị thương nhanh nhất.