Chăm sóc và dinh dưỡng cho trẻ kén ăn
iếng ăn, kén ăn là những biểu hiện thường gặp ở trẻ nhỏ. Tỷ lệ này thường gặp ở ở độ tuổi trẻ chập chững biết đi và lứa tuổi mẫu giáo lên đến 25 - 35%. Vậy trẻ kén ăn là gì và bé kén ăn phải làm sao?
1. Trẻ kén ăn là gì?
Trẻ được xem là kén ăn, biếng ăn khi trẻ ăn không đủ khẩu phần ăn theo nhu cầu của cơ thể bé, dẫn đến biểu hiện chậm tăng trưởng. Bé kén ăn sẽ trẻ không ăn một số loại thực phẩm nhất định dẫn đến thiếu một số chất dinh dưỡng nhất định. Dấu hiệu nhận biết sớm bé kén ăn là:
- Bé không ăn hết khẩu phần ăn của mình hoặc mỗi bữa ăn kéo dài (có thể hơn 1 giờ);
- Bé bú sữa ít hoặc ăn ít hơn so với bình thường;
- Trẻ ăn ngậm trong miệng rất lâu, mãi không chịu nuốt;
- Bé không chịu ăn một số loại thức ăn nhất định, từ chối không chịu ăn, hoặc có ý muốn chạy trốn khi nhìn thấy thức ăn;
- Bé nhìn thấy thức ăn sẽ có phản ứng buồn nôn.
2. Bé kén ăn phải làm sao?
Cơn thèm ăn, ăn ngon miệng của trẻ nhỏ chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau, trong đó bao gồm cả mức độ hoạt động thể lực, sự mệt mỏi và những bất ổn về mặt tinh thần, cảm xúc. Tuy nhiên, một số bé kén ăn, biếng ăn chỉ đơn thuần là tính cách, bản chất của bé.
Chỉ cần mức độ tăng trưởng của bé vẫn bình thường và chế độ dinh dưỡng cân bằng, đầy đủ các nhóm chất thì cha mẹ không có lý do gì để lo lắng. Sự thay đổi về ăn uống của bé kén ăn đa số chỉ là tạm thời và ít tác động tiêu cực đến sức khỏe tổng thể của trẻ. Tuy nhiên, cha mẹ nên tham khảo một số lời khuyên sau đây để giải đáp thắc mắc bé kén ăn phải làm sao:
2.1. Cha mẹ nên khuyến khích bé tự ăn
Trẻ nhỏ thường rất hứng thú với những trải nghiệm mới mẻ trong cuộc đời. Do đó, mỗi khi bé học hỏi bằng cách chạm vào và cảm nhận các sự vật, đối tượng nào đó sẽ kích thích các giác quan để tìm hiểu về vấn đề đó. Trong đó, cảm giác thèm ăn các món ăn mới lạ không phải ngoại lệ.
Trong quá trình phát triển cơ thể, bé có thể học tập các kỹ năng vận động và dần tạo được sự tự tin cần thiết để sử dụng muỗng nĩa khi ăn.
Khuyến khích con tự ăn là một trong những giải pháp cho bé kén ăn phải làm sao, đặc biệt là những bé từ 9 đến 12 tháng tuổi. Cụ thể hơn, cha mẹ nên khuyến khích con nhặt từng miếng nhỏ thức ăn bằng ngón tay trỏ và ngón tay cái, sau đó cố gắng đưa chúng lên miệng. Đồng thời, cha mẹ cần biết cách hoan nghênh, cổ vũ những nỗ lực và giám sát chặt chẽ để phát hiện sớm các dấu hiệu hóc nghẹn của trẻ.
2.2. Cần hạn chế và kiểm soát việc ăn vặt của con
Cha mẹ cần hạn chế số lần ăn vặt của con, chỉ nên cho bé ăn hai lần mỗi ngày và chỉ khi trẻ xin, không cho trẻ uống quá nhiều sữa bột vì điều này có thể dẫn đến tình trạng giảm sự thèm ăn trong bữa ăn chính.
Trẻ uống nhiều hơn 470 - 710ml sữa mỗi ngày có thể không muốn ăn thêm các thực phẩm dinh dưỡng khác vì với lượng sữa này trẻ cơ bản đã no, điều này có thể khiến trẻ bị thiếu cân tuy nhiên nếu mẹ cho trẻ uống lượng sữa như trên nhưng trẻ vẫn ăn uống tốt lại có thể gây ra thừa cân vì dư thừa nhiều năng lượng.
2.3. Làm cho bữa ăn của trẻ trở nên thú vị hơn
Bữa ăn không phải là một trận chiến, cha mẹ không nên bắt con phải ăn hết tất cả những gì có trong đĩa mà hãy cho bé cơ hội để tự tìm hiểu và lựa chọn loại thực phẩm yêu thích. Trong quá trình ăn phụ huynh có thể pha trò một tí để không gây ra cảm giác căng thẳng cho con và nên khuyến khích trẻ ăn giỏi, tạo cảm giác thèm ăn lành mạnh.
Đối với bé kén ăn, cha mẹ chỉ nên cung cấp các phần ăn nhỏ và căn dặn con rằng nếu muốn nhiều hơn thì trẻ phải yêu cầu điều đó từ cha mẹ. Trong một số trường hợp, trẻ không chỉ đơn giản là một em bé kén ăn, mà vấn đề về việc buộc phải ăn cũng là một nguyên nhân khiến bé mất đi hứng thú. Thực tế một người kén ăn thường sẽ chấp nhận 30 loại thực phẩm hoặc nhiều hơn, nhưng khi một người gặp vấn đề về ăn uống thường chỉ có thể chấp nhận 20 loại thực phẩm hoặc ít hơn.
Nếu tình trạng không cải thiện, các bậc cha mẹ có con ngày càng bị thiếu cân hoặc có vấn đề về ăn uống trầm trọng thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng, khi đó trẻ có thể gặp phải tình trạng quá mẫn cảm hoặc có các vấn đề về cảm giác ở miệng khiến trẻ khó chấp nhận thức ăn mới.
3. Chăm sóc bé kén ăn cần lưu ý gì?
Một số ông bà trong gia đình thuộc thế hệ đi trước luôn cho rằng tình trạng nhiễm giun sán đường ruột là nguyên nhân chính khiến bé kén ăn, không thèm ăn. Từ đó khuyến khích việc cho bé uống siro, thuốc tẩy giun có thể tìm thấy tại các hiệu thuốc. Tuy nhiên, tẩy giun cho trẻ không theo đánh giá và y lệnh của bác sĩ là việc làm không được khuyến khích.
Thông qua thăm khám, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng của bé như có suy dinh dưỡng không, có triệu chứng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, ngứa kéo dài không vì đây là những biểu hiện phổ biến của trẻ bị nhiễm ký sinh trùng, giun sán. Khi đã xác định, chẩn đoán chính xác có sự phá hoại của giun sán, các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc diệt giun dạng siro cho bé.
Đồng thời, cha mẹ có thể áp dụng những những việc đơn giản sau đây để phòng ngừa nhiễm giun sán đường ruột cho trẻ nhỏ:
- Duy trì vệ sinh thân thể đúng phương pháp tại gia đình;
- Thường xuyên rửa tay trẻ và người nuôi dưỡng bằng xà phòng và nước sạch;
- Cố gắng giám sát những vật dụng các con chạm hoặc đưa vào miệng;
- Đảm bảo trẻ được mang giày dép khi đi ra ngoài, đặc biệt vùng đất lầy lội, sình bùn;
- Đảm bảo tuyệt đối không cho trẻ ăn thịt sống, thịt chưa nấu chín hoặc sử dụng trái cây, rau củ chưa rửa sạch.
Một số cha mẹ tin rằng lysine (một amino acid thiết yếu) là thành phần trong các sản phẩm bổ sung tổng hợp cho trẻ em, có tác dụng kích thích, tăng cường sự thèm ăn. Tuy nhiên, điều này chưa được chứng minh chính xác, lysine không được chắc chắn về tác dụng như một chất kích thích sự thèm ăn, đồng thời bổ sung lysine ở những trẻ khác nhau sẽ có những đáp ứng khác nhau. Vậy thông thường bé kén ăn phải làm sao, để giải quyết tình trạng này cha mẹ hãy cố gắng tìm những nguyên nhân sâu xa khiến bé kén ăn, sau đó mới tìm hiểu đến việc bổ sung các loại thực phẩm chức năng cho trẻ.
Một số nguyên nhân hay gặp và khắc phục dễ dàng như bé kén ăn do ăn vặt quá nhiều giữa các bữa hoặc trẻ không thích vì bị buộc ăn hết phần ăn của mình.
Rất nhiều cha mẹ cho con mình sử dụng các loại vitamin tổng hợp với hy vọng bé khỏe mạnh và phát triển bình thường. Tuy nhiên, các vitamin tổng hợp nhìn chung là không cần thiết nếu trẻ khỏe mạnh và đang phát triển bình thường. Đa số lượng vitamin nhu cầu cần được bổ sung thông qua chế độ ăn cân bằng, lành mạnh, bao gồm: sữa và các chế phẩm sữa, hoa quả, rau xanh và các loại thịt gà, cá, heo, bò, trứng và ngũ cốc nguyên hạt.
Vitamin tổng hợp chỉ có tác dụng khi bé kén ăn thường xuyên và có nhiều hạn chế khi ăn như dị ứng, mắc bệnh mãn tính cần hạn chế một số thực phẩm suốt đời.
Việc cải thiện tình trạng kén ăn có thể diễn ra trong thời gian dài nên khuyến cáo cha mẹ cần bình tĩnh và kiên trì khi bổ sung chất cho bé kể cả qua đường ăn uống hay các thực phẩm chức năng. Đặc biệt việc dùng TPCN nên chọn các loại có nguồn gốc tự nhiên dễ hấp thụ, không cho còn dùng đồng thời nhiều loại hoặc thay đổi liên tục các loại TPCN.
Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.
Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.